Fri Jan 22, 2010 9:09 pm
Nguồn: Báo Hải Dương | ||
Cập nhật: 21/10/2009, 09:30:37 | ||
Đền Cuối ở thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, một di tích được xếp hạng quốc gia, thờ Nguyễn Chế Nghĩa - một danh tướng thời Trần từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Lễ hội đền Cuối diễn ra trong 3 ngày, từ 26 đến 28/8 âm lịch, bắt nguồn từ ngày giỗ tướng Nguyễn Chế Nghĩa (27/8). Dù đã qua hơn 600 năm cùng bao biến đổi thăng trầm của lịch sử song cả phần lễ, phần hội ở đền Cuối vẫn lưu giữ được những nét độc đáo riêng. Sáng 26/8, sau nghi thức tế lễ mở cửa đền, một hồi trống vang lên báo hiệu giờ khai hội. Mọi người đổ về đền chính thắp hương làm lễ. Những cụ ông đấu trí bên bàn cờ tướng. Mỗi nước đi lại có người nhấc quân cờ bày trước sân đền cho mọi người theo dõi. Đám nam nữ rủ nhau chơi đập niêu, bắt dê. Những đứa trẻ xúm xít bên hàng con giống làm từ gỗ, tre bày trên đất. Tại đây vẫn gặp những cụ bà ngồi bổ cau, cắt vỏ ở một góc sân đền. Độc đáo nhất vẫn là lễ rước và các trò chơi ngày chính hội 27/8. Từ đêm, các xóm đã sắp kiệu lễ để mang ra sân đền. Khi các cỗ kiệu và đội hình được tập kết, tiếng chiêng trống vang lên báo hiệu lễ rước truyền thống bắt đầu. Hành trình rước xuất phát từ đền, qua khu lăng mộ, qua chợ Cuối rồi về đền chính. Đi đầu là đội múa lân, vừa dẫn đường vừa biểu diễn. Theo sau là đội thó, tiếp đến là đội tế nam, đội dâng hương, các bà, các cô đội khăn vàng, áo thêu, thắt lưng hồng, quần trắng, dép mũi hài. Thứ đến là 2 con ngựa gỗ tượng trưng cho 2 con ngựa chiến Long Câu, Long Đề mà đức thánh cưỡi khi ra trận và các kiệu, thứ tự từ kiệu cỗ đường, kiệu cỗ tam sinh, kiệu cỗ bò thui, kiệu cỗ hoa quả tứ linh, cuối cùng là kiệu thánh. Ông Nguyễn Đức Lẫm, người viết cuốn lịch sử làng Cuối nói: “Theo thần phả của làng, từ khi lập đền đã hơn 600 năm, chưa năm nào dân làng bỏ lễ. Những năm loạn lạc, phải ly hương song người làng Cuối vẫn mổ bê, giết lợn cúng bái vọng”. Cỗ lễ bánh năm nay là cặp bánh dày, bánh chưng lớn khiến người xem trầm trồ. Ông Cao Thọ Khoa, trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Làm bánh là nghề truyền thống từ nhiều trăm năm nay ở Hội Xuyên. Qua lễ hội này chúng tôi muốn tôn vinh truyền thống đó”. Về quy trình và trọng lượng của 2 chiếc bánh, ông Phạm Vĩnh Lợi, phó ban tổ chức lễ hội cung cấp: Hai cỗ bánh được các gia đình nghệ nhân có truyền thống làm bánh thực hiện. Bánh chưng sử dụng 5 tạ gạo, 50kg đỗ, 50kg thịt, gói 4 lớp lá. Lớp trong cùng là lá dong, lớp thứ 2 là lá chuối, lớp 3 là giấy báo và lớp lá chuối bên ngoài. Để luộc chiếc bánh khổng lồ này, phải xây một bể lớn bằng gạch, phần đáy là tấm tôn dày. Thời gian luộc 3 ngày 2 đêm. Khi vớt phải dùng tời cẩu lên xe. Chiếc bánh dày sử dụng 1 tạ gạo. Sau khi gạo ngâm 24 giờ được đưa vào chiếc vạc lớn đồ chín rồi chia 3 phần, 20 người thay nhau giã bằng chày gỗ nặng. Ông Lợi cho biết thêm: “Ngoài 2 chiếc bánh, chúng tôi còn làm một đèn kéo quân, chiều ngang 4,5m, chiều cao 6,5m đặt ở giữa ao làng cùng một đèn ông sao cao 8,5m. Du khách về trảy hội chiêm ngưỡng rất đông”. Sau lễ rước là phần hội với các trò chơi được tổ chức từ hàng trăm năm nay như thi bắt vịt, đi cầu kiều. Song, nói đến lễ hội đền Cuối phải nhắc đến trò đánh thó (một dạng võ gậy). Đây là môn võ cổ truyền mà Nguyễn Chế Nghĩa rất điêu luyện và đánh thó cũng là linh hồn của lễ hội đền Cuối. Bởi vậy đền Cuối còn có tên gọi đền Thó. Đánh thó được thực hiện với hai người một, mỗi người có một cây gậy dài chừng 1,7m. Trong trò này người cầm trịch (đánh trống thó) là người sành sỏi về thó. Khi trống nổi lên hai bên ra sân, mỗi người múa một bài để chào quan viên. Trong đánh thó, quy định các miếng đánh rất chặt chẽ. Cấm đánh từ đầu xuống cổ, cấm đánh đòn dọc, cấm đánh dóc mía, cấm hất dốc. Đòn đánh từ khuỷu tay trở ra, từ đầu gối trở xuống không được tính điểm, chỉ tính theo dấu vôi trên quần áo do gậy có nhúng vôi ướt chạm vào. Vào cuộc, trống đánh 3 tiếng một, chậm rãi, sau nhanh dần, dồn dập, thúc giục đôi bên hăng hái công thủ, tiếng gậy chan chát, người xem nín thở hồi hộp. Thấy miếng đánh cấm kỵ, người cầm trịch sẽ gõ vào tang trống nhắc nhở, hoặc đánh một hồi dài dừng cuộc chơi nếu phạm luật nghiêm trọng. Những miếng đánh hay, trống sẽ đánh liên hồi khích lệ. Trò đánh thó được mọi người chờ đợi nhiều nhất, luôn gây sửng sốt và lưu lại ấn tượng sâu đậm cho du khách. Nằm trong quần thể di tích đền Cuối còn có chùa La Khởi, giáo trường (nơi ngài rèn luyện võ nghệ và môn đánh thó cho dân binh), ao chiêm tinh (nơi ngài xem thiên văn để dự đoán thời tiết chỉ cho dân chúng làm ăn) và khu lăng mộ. Sự tồn tại đến ngày nay của những di tích này là một điều hiếm hoi và đáng tự hào của người làng Cuối. Lăng công chúa Nguyệt Hoa (phu nhân đức thánh), lăng công tử Sùng Phúc (con trai đức thánh) và lăng phát tích (phụ mẫu đức thánh) được làm bằng đá xây kiểu long đình, có tường đá bao quanh, đến nay có niên đại mấy trăm năm. Riêng lăng đức thánh nằm ở phía bắc làng trên một gò cao, thế “bạch tượng quyển hồ” (voi trắng hút nước) rộng 2 sào được xây bằng gạch từ thời Trần vẫn còn nguyên vẹn. Trước lăng có táp môn trên đắp chữ vạn thọ, hai bên lối vào có rồng chầu, phía sau lăng đắp hình voi trắng. Trong lăng có bia đá khắc chữ hán. Tạm dịch: Mộ quan nhập nội thị, Thái úy, Phò mã đô úy triều Trần, tôn thần họ Nguyễn, tên Chế Nghĩa, người bản xã cùng công chúa Nguyệt Hoa sắc phong thành hoàng... Lịch sử đã lùi xa song với 31 đạo sắc phong trong 300 năm liên tục (triều Lê 21 đạo, triều Tây Sơn 2 đạo, triều Nguyễn 8 đạo), người dân Cối Xuyên luôn tự hào về vị anh hùng của quê hương mình. Ngày nay tên ông được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Dương. Với lễ hội đền Cuối, người Hội Xuyên vẫn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống, thật đáng quý. |